Cập nhật VBPL kì 1 tháng 12/2010

CẬP NHẬT MỘT SỐ VBPL KÌ 1 – THÁNG 12/2010

I.       Thông tư 70/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/12/2010 cuả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

II.    Nghị định 112/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/12/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

III. Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010.

IV.  Quốc hội ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010.

V.     Thông tư 36/2010/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

=========================================

TÓM TẮT NỘI DUNG

I. Thông tư 70/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/12/2010 cuả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về ban hành Danh mục bổ sung giống cây trồng, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Thông tư 70).

Xem Thông tư 70 tại đây.

Thông tư 70 có hiệu lực thi hành ngày 23 – 01 – 2011 (sau 45 ngày kể từ ngày ký).

Ban hành kèm theo Thông tư 70 là Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, cụ thể tại Phụ lục 02 đính kèm.

Và Danh mục phân bón thay thế các loại phân bón đã có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam nhưng có sự điều chỉnh về tên phân bón, thành phẩm, hàm lượng các chất đăng ký và đơn vị đăng ký, cụ thể tại Phụ lục 03 đính kèm.

===========================================

II. Nghị định 112/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/12/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. (Nghị định 112).

Xem Nghị định 112 tại đây.

Nghị định 112 có hiệu lực thi hành ngày 01 – 02 – 2011.

So với Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16-01-2008, Nghị định 112 nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp sau: hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, pha trộn, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả; hoặc hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo lường thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng.

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định thì bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng.

Tương tự, Nghị định 112 qui định phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt theo qui định đối với hành vi vi phạm nhãn hàng hóa thuộc một trong hai trường hợp sau: vi phạm về nhãn hàng hóa là của hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, thép xây dựng, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô; Hoặc vi phạm về nhãn hàng hóa là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, pha trộn, chế tác, tái chế, sang chiết, nạp, đóng gói, lắp ráp, nhập khẩu hàng hóa.

===========================================

III. Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010.

Xem Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán tại đây.

Luật này có hiệu lực thi hành ngày 01 – 7 – 2011.

Như Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật này thông qua sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.

Về quy định chào mua cổ phiếu công khai, có 3 trường hợp phải thực hiện chào mua công khai: (1) Chào mua cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ đóng quỹ dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một công ty đại chúng, quỹ đóng; (2) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ của một công ty đại chúng, quỹ đóng mua tiếp từ 10% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ; (3) , cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ của một công ty đại chúng, quỹ đóng mua tiếp từ 5% đến dưới 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết trong thời hạn dưới một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào mua công khai trước đó.

Ngoài các quy định hiện hành về việc công bố thông tin của công ty đại chúng, Luật này bổ sung thêm một số trường hợp bắt buộc công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường như: mua, bán tài sản có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty theo bảng cân đối kế toán được kiểm toán gần nhất; bị tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên; có sự kiện ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết; khi xảy ra một trong các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, giá chứng khoán tăng hoặc giảm liên tục trong một thời gian nhất định và sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, luật này đã bổ sung quy định theo hướng khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng, niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

==================================

IV. Quốc hội ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010.

Xem Luật thuế bảo vệ môi trường tại đây.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm: Xăng, dầu, mỡ nhờn; Than đá; Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); Túi ni lông thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc các đối tượng chịu thuế nêu trên là Người nộp thuế bảo vệ môi trường.

Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường dựa trên số lượng hàng hoá tính thuế. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dung nội bộ, tặng cho. Đối với hàng hoá nhập khẩu, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu. Và số lượng hàng hóa tính thuế này được áp dụng một mức thuế tuyệt đối theo qui định tại Lụât này.

==================================

V. Thông tư 36/2010/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. (Thông tư 36).

Xem Thông tư 36 tại đây.

Tiếp theo Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29-10-2010 của Chính phủ qui định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động, Thông tư 36 hướng dẫn thực hiện cụ thể Nghị định 108/2010/NĐ-CP.

Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó. Đối với doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu vùng để xác định, điều chỉnh các mức lương khác của người lao động như sau:

a)     Đối với doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003 và Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Thông tư này làm cơ sở để tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

b)     Đối với các mức lương đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng thì doanh nghiệp căn cứ vào mặt bằng tiền công trên thị trường, giá cả sinh hoạt để điều chỉnh các mức lương đã thỏa thuận cho phù hợp. Mức điều chỉnh cụ thể do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương do Chính phủ quy định và quan hệ tiền lương hợp lý giữa người mới được tuyển dụng và người có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.

Nghị định này thực hiện từ ngày 01 – 01 – 2011 đối với các địa bàn qui định tại Phụ lục 1 và các địa bàn qui định tại Phụ lục 2 áp dụng từ ngày 01 – 7 – 2011./.