Cập nhật VBPL kì 2 tháng 9/2010

CẬP NHẬT MỘT SỐ VBPL KÌ 2 – THÁNG 9/2010

1. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

2. Dự thảo Luật khiếu nại của Quốc Hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII.

=========================================

TÓM TẮT NỘI DUNG

1. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Xem Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại đây.

Đối tượng được phát hành trái phiếu là doanh nghiệp thuộc các loại hình sau:

(i)  Công ty cổ phần,

(ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn,

(iii) Doanh nghiệp nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Dự thảo qui định các mục đích phát hành trái phiếu:

(i) Thực hiện các chương trình, dự  án đầu tư  của doanh nghiệp,

(ii) Tăng qui mô vốn hoạt động của doanh nghiệp,

(iii) Cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài thỏa mãn điều kiện là các doanh nghiệp thuộc các loại hình như trên, để phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Có thời gian hoạt động tối thiểu là một (01) năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động.

(ii) Có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán bởi kiểm toán nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp ở Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước ngày 01 tháng 04 hàng năm, báo cáo tài chính năm của năm liền kề có thể là báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước năm liền kề. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của báo cáo tài chính năm.

(iii) Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi.

(iv)   Có phương án phát hành trái phiếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt .

Thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp:

(i) Đối với trái phiếu chuyển đổi: Đại hội cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu. Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp tổ chức thực hiện phương án phát hành trái phiếu.

(ii) Đối với trái phiếu không chuyển đổi: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều lệ doanh nghiệp. Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp tổ chức thực hiện phương án phát hành trái phiếu.

(iii) Đối với doanh nghiệp Nhà nước phát hành trái phiếu mà hệ số nợ trên số vốn điều lệ vượt quá 3 lần thì phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trên cơ sở các dự án đầu tư có hiệu quả. Sau khi quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.

Hồ sơ cần có của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp:

(i) Phương án phát hành trái phiếu.

(ii) Quyết định thông qua phương án phát hành trái phiếu.

(iii) Điều lệ của doanh nghiệp phát hành.

(iv) Báo cáo tài chính theo quy định tại Dự thảo của Nghị định này.

(v) Kết quả xếp loại của tổ chức định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có).

(vi) Các hợp đồng bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, hợp đồng đại lý và các tài liệu liên quan khác (nếu có).

====================================================

2. Dự thảo Luật khiếu nại của Quốc Hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII.

Xem Dự thảo Luật khiếu nại tại đây.

Dự thảo Luật khiếu nại quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tổ chức tiếp công dân và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.

Dự thảo Luật khiếu nại áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Các hình thức khiếu nại bao gồm: Gửi đơn khiếu nại hoặc Khiếu nại trực tiếp.

Thời hiệu khiếu nại: Thời hiệu yêu cầu xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính là 90 ngày, kể từ ngày nhận quyết định hành chính, hoặc biết được hành vi hành chính.

Trách nhiệm xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính:

Dự thảo qui định rõ Người có quyết định hành chính, hành vi hành chính có trách nhiệm xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình khi có yêu cầu của người khiếu nại; nếu thấy quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xem xét lại hành vi hành chính và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xem xét lại quyết định hành chính, người có hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính phải xem xét lại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.

Trong trường hợp không đồng ý với kết quả xem xét lại hoặc quá thời hạn mà yêu cầu không được xem xét thì người khiếu nại khiếu nại đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày hết hạn xem xét lại đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính.

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính./.