Cập nhật văn bản pháp luật kì 1 – tháng 5/2010.

Cập nhật văn bản pháp luật kì 1 – tháng 5/2010

  1. Nghị định số 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2009 về việc xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực đất đai.
  2. Thông tư số 37/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18-3-2010 hướng dẫn về việc phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính.
  3. Quyết định 814/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 15-4-2010 về việc đính chính Thông tư số 37/2010/TT-BTC ngày 18/3/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính.
  4. Quyết định 1899/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 16 – 4 – 2010 về việc ban hành danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.
  5. Thông tư 58/2010/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 16 tháng 4 năm 2010 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2010-2012.

======================================================

Tóm tắt nội dung

(1) Nghị định số 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2009 (Nghị định 105) về việc xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực đất đai. Xem văn bản tại đây.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, thay thế Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Các hành vi cố ý hoặc vô ý của người sử dụng đất vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm cả các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là hai (02) năm kể từ ngày có hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm hành chính chưa bị xử phạt thì người có thẩm quyền không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Các hành vi vi phạm hành chính theo qui định của Nghị định 105:

Ngoài một số các hành vi như sử dụng đất không đúng mục đích; Lấn, chiếm đất; Huỷ hoại đất; Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác; Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai;

Đặc biệt, lần đầu tiên, hành vi chậm đưa đất vào sử dụng bị đưa vào Nghị định 105 để xử phạt vi phạm hành chính.

Trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép, theo Nghị định 105, hành vi chậm đưa đất vào sử dụng sẽ bị phạt tiền từ năm trăm nghìn (500.000) đồng đến hai triệu (2.000.000) đồng đối với hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm quá thời hạn mười hai (12) tháng liền; không sử dụng đất trồng cây lâu năm quá thời hạn mười tám (18) tháng liền; không sử dụng đất trồng rừng quá thời hạn hai bốn (24) tháng liền. Hoặc Phạt tiền từ hai triệu (2.000.000) đồng đến mười triệu (10.000.000) đồng đối với hành vi không sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn mười hai (12) tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.

Mặc dù, theo Điều 38 Luật Đất đai 2003 (đang có hiệu lực thi hành), hành vi chậm đưa đất vào sử dụng như trên sẽ bị thu hồi đất. Nhưng trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị chế tài.

Mặt khác, nghị định 105 qui định hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của cá nhân hoặc tổ chức khi không đủ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai cũng là vi phạm. Khác với trước đây, hành vi này không được Luật hiện hành qui định.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền Phạt cảnh cáo, Phạt tiền đến ba mươi triệu (30.000.000) đồng.

====================================================

(2) Thông tư số 37/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18-3-2010 (Thông tư 37) hướng dẫn về việc phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính. Xem văn bản tại đây.

Hiệu lực thi hành: ngày 03-5-2010 (sau 45 ngày kể từ ngày ký).

Đối tượng áp dụng là tổ chức trả các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Điều kiện áp dụng:

–         Bao gồm 04 điều kiện: Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; Đã đăng ký thuế và có mã số thuế; Có trang thiết bị máy tính và phần mềm bảo vệ và không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 02 lần trở lên trong thời gian 01 năm trở về trước. 

Tải  mẫu chứng từ khấu trừ chuẩn.

Đăng ký sử dụng:

–         Tổ chức trả thu nhập có nhu cầu sử dụng chứng từ khấu trừ tự in phải nộp hồ sơ đăng ký sử dụng cho Cục thuế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức trả thu nhập đóng trụ sở chính. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm ra thông báo về việc chấp thuận hay không việc đăng ký này có nêu rõ lý do. Tương tự, tổ chức trả thu nhập phải thông báo phát hành chứng từ khấu trừ tại trụ sở làm việc của mình trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận của cơ quan thuế.

Tải Mẫu đăng ký sử dụng chứng từ khấu trừ tự in

Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in

–         Hàng quý, chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau, Doanh nghiệp trả thu nhập thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ.

Tải Mẫu báo cáo

==============================================

(3) Quyết định 814/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 15-4-2010 (Quyết định 814) về việc đính chính Thông tư số 37/2010/TT-BTC ngày 18/3/2010 của Bộ Tài chính (Thông tư 37) hướng dẫn về việc phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính. Xem văn bản tại đây.

Quyết định này có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 37, ngày 03 – 5 – 2010.

Quyết định 814 đính chính về việc phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính được qui định tại thông tư số 37 như sau:

– Tại điểm a, khoản 1, Điều 3 thông tư số 37: “Tổ chức trả thu nhập có nhu cầu sử dụng chứng từ khấu trừ tự in phải nộp hồ sơ cho Cục thuế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức trả thu nhập đóng trụ sở chính”. Qui định 814 sửa lại thành: “…nộp hồ sơ cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý…”.

– Tại khoản 2 Điều 3 thông tư số 37: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận của Cục thuế tỉnh, thành phố, tổ chức trả thu nhập phải thông báo phát hành chứng từ khấu trừ tại trụ sở làm việc của mình. Thông báo phát hành chứng từ khấu trừ phải nêu rõ về hình thức, kích thước, lô gô của mẫu chứng từ khấu trừ. Qui định 814 sửa lại thành: “...chấp thuận của cơ quan thuế...”

– Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 37: “Khi thay đổi hình thức chứng từ khấu trừ tự in, tổ chức trả thu nhập phải thông báo với Cục thuế tỉnh, thành phố nơi đăng ký sử dụng chứng từ và cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập mẫu chứng từ khấu trừ mới”. Qui định 814 sửa lại thành: ““…phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý…”

==================================================

(4) Quyết định số 1899/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 16 – 4 – 21010 (Quyết định 1899) về việc ban hành danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.

Quyết định 1899 có  hiệu lực kể từ ngày ký, ngày 16 – 4 – 2010.

Một trong số mặt hàng được qui định trong Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu kèm theo Quyết định này có chế phẩm hoạt động bề mặt hữu cơ ở dạng đã đóng gói để bán lẻ (thuộc mã 3402 20) được qui định cụ thể tại trang 5 của Danh mục đính kèm theo Quyết định 1899.

Tải Quyết định 1899 đính kèm Danh mục tại đây.

=====================================================

(5) Thông tư 58/2010/TT- BTC của Bộ tài chính ngày 16 tháng 4 năm 2010 (Thông tư 58) về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) giai đoạn 2010-2012. Xem văn bản tại đây.

Thông tư 58 có hiệu lực thì hành từ ngày 01 – 6 – 2010, mức thuế suất áp dụng cho từng năm, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm (riêng năm 2010 được áp dụng từ ngày 01 tháng 06 năm 2010 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010).

Điều kiện để hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AIFTA:

a. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư này.

b. Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước: Ma-lay-xi-a, Cộng hoà Sing-ga-po, Vương quốc Thái Lan, Cộng hoà Ấn Độ; (Danh sách bổ sung các nước được áp dụng thuế suất AIFTA theo văn bản thông báo của Bộ Tài chính).

c. Được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu, quy định tại Điểm (b) mục này, đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công Thương;

d. Thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (viết tắt là C/O mẫu AI) theo quy định của Bộ Công Thương.

Thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật theo qui định tại danh mục đính kèm thông tư 58, trang 140, như sau:

Mã hàng hóa Mô tả hàng hóa

Thuế suất AIFTA (%)

2010 2011 2012
Chế phẩm trung gian để sản xuất thuốc trừ côn trùng:
3808911010 Chứa BPMC (Fenobucard) 5 5 5
3808911090 Loại khác 5 5 5
3808919090 Loại khác (thuốc trừ sâu) 4.5 4.5 4
Thuốc diệt nấm (trừ bệnh)
3808920010 Có hàm lượng Validamycin đến 3% 4.5 4.5 4.5
3808920090 Loại khác 4.5 4.5 4.5
Thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng:
3808930010 Thuốc diệt cỏ 5 5 5
3808930090 Loại khác 4.5 4.5 4.5

Tải biểu thuế AIFTA tại đây