Cập nhật VBPL kì 1 – tháng 7/2010

CẬP NHẬT VBPL KÌ 1 – THÁNG 7/2010

1. Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT ngày 28 – 6 – 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn qui định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. (Có đính kèm Phụ lục).

2. Thông tư số 36 /2010/TT-BNNPTNT ngày 24 – 6 – 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. (Có đính kèm Phụ lục).

===================================

TÓM TẮT NỘI DUNG

1. Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT ngày 28 – 6 – 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn qui định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. (Thông tư 38).

Xem văn bản tại đây.

Theo qui định của Chính phủ, chậm nhất là 180 ngày, sau ngày 30/12/2009 – ngày có hiệu lực của Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 9 – 11 – 2009 của Chính phủ qui định danh mục hàng nguy hiểm vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (BNNPTNT) phải xây dựng, bổ sung các quy định về các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Ngày 28 – 6 – 2010, BNNPTNT đã ban hành Thông tư số 38 qui định về quản lý thuốc BVTV, có hiệu lực ngày 13 – 8 – 2010 (sau 45 ngày kể từ ngày ban hành).

Thông tư 38 chính thức thay thế Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02-10-2006 qui định hiện hành về quản lý thuốc BVTV và một số văn bản liên quan đến thuốc BVTV khác.

Điểm nổi bật của Thông tư 38 đối với hoạt động vận chuyển thuốc BVTV là qui định rõ ràng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển thuốc BVTV và cấp giấy phép vận chuyển thuốc BVTV cho các đối tượng là người vận chuyển, người áp tải hàng, người thủ kho thuốc BVTV.

Theo đó, doanh nghiệp vận chuyển khối lượng thuốc, nguyên liệu thuốc BVTV từ 1000kg/xe trở lên phải có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên ngành BVTV địa phương cấp, có thời hạn cao nhất là 12 tháng kể từ ngày cấp.

Thông tư 38 qui định Cục BVTV thuộc BNNPTNT chịu trách nhiệm xây dựng chương trình tập huấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên ngành BVTV địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các Doanh nghiệp tổ chức tập huấn theo nội dung chương trình tập huấn do Cục BVTV thuộc BNNPTNT đề ra và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện.

Ngoài ra, bao bì thùng chứa hoặc container chứa thuốc BVTV trong quá trình vận chuyển hoặc kho thuốc BVTV phải dán biểu trưng nguy hiểm theo mẫu qui định tại khoản 1, mục II, Phụ lục 5 của thông tư này.

Tải phụ lục đính kèm Thông tư 38 tại đây.

============================================

2. Thông tư số 36 /2010/TT- BNNPTNT ngày 24 – 6 – 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. (Thông tư 36).

Xem văn bản tại đây.

Thông tư 36 ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, có hiệu lực ngày 09 – 8 – 2010 (sau 45 ngày kể từ ngày ban hành), thay thế văn bản hiện hành là Quyết định số 100/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón.

Danh mục phân bón:

Theo Thông tư 36, tối đa ba (03) tháng một lần, Cục Trồng trọt tập hợp, thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các loại Danh mục phân bón, bao gồm:

(i) Danh mục phân bón bổ sung;

(ii) Danh mục phân bón có điều chỉnh, sửa đổi;

(iii) Danh mục phân bón bị loại bỏ.

Danh mục phân bón có hiệu lực năm (05) năm. Ba (03) tháng trước khi hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân có phân bón trong Danh mục phân bón nếu có nhu cầu đăng ký lại cần gửi một (01) bộ Hồ sơ về Cục Trồng trọt.

Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón chỉ được tổ chức hội thảo, giới thiệu, xây dựng mô hình trình diễn đối với các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón và phải thông báo nội dung hội thảo, trình diễn cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức ít nhất năm (05) ngày trước khi thực hiện.

Việc vận chuyển phân bón bằng phương tiện giao thông đường bộ:

Khi vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ đối với các loại phân bón hoặc nguyên liệu để sản xuất phân bón có chứa các chất thuộc Danh mục hàng nguy hiểm ban hành kèm theo Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09  tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón phải tuân thủ các quy định của Nghị định này.

Việc nhập khẩu phân bón:

Tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Trồng trọt khi nhập khẩu phân bón ngoài Danh mục phân bón thuộc các trường hợp dưới đây:

(i) Phân bón mới để khảo nghiệm;

(ii) Phân bón hoặc nguyên liệu khác chưa có tên trong Danh mục phân bón để sản xuất các loại phân bón:

– Có tên trong Danh mục phân bón;

– Chỉ để xuất khẩu theo hợp đồng;

(iii) Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao;

(iv) Phân bón chuyên dùng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của công ty;

(v) Phân bón làm hàng mẫu, quà tặng, phục vụ nghiên cứu khoa học;

(vi) Các loại phân bón đã qua khảo nghiệm, được Cục Trồng trọt công nhận là phân bón mới đang trong thời gian chờ bổ sung vào Danh mục phân bón.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón:

(i) Thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, đổi tên đơn vị sở hữu, đơn vị nhận chuyển giao toàn phần công nghệ sản xuất phân bón, quảng cáo, hội thảo, trình diễn phân bón theo quy định tại Nghị định 113/2003/NĐ-CP, Nghị định 191/2007/NĐ-CP, các nội dung của Thông tư này và quy định pháp luật khác có liên quan.

(ii) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với phân bón khi sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường; Công bố hợp quy đối với phân bón quy định tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư này theo đúng quy định của Pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, ghi nhãn hàng hoá đối với sản phẩm, hàng hoá phân bón.

(iii) Phải đảm bảo chất lượng phân bón sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh theo đúng Công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

(iv) Tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra về các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón.

(v) Định kỳ tháng 12 hàng năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền, lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính./.

Tải phụ lục đính kèm Thông tư 36 tại đây.