Cập nhật VBPL kì 2 – tháng 8/2010

CẬP NHẬT MỘT SỐ VBPL KÌ 2 – THÁNG 8/2010

(1) Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 – 8 – 2010 của Chính phủ  qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(2) Nghị định số 84/2010/NĐ-CP ngày 02 – 8 – 2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 – 01 – 2007 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.

=======================================

TÓM TẮT NỘI DUNG

(1) Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 – 8 – 2010 của Chính phủ  qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. (Nghị định 85).

Xem Nghị định 85 tại đây.

Nghị định 85 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2010 và thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08 – 3 – 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cá nhân, tổ chức (bao gồm trong nước và nước ngoài) cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 85.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 02 năm, kể từ ngày vi phạm.

Hình thức xử phạt bao gồm:

Hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo và Phạt tiền

Hình thức xử phạt bổ sung:

(i) Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

(ii) Đình chỉ hoặc huỷ bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng;

(iii) Đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt:

Nghị định 85 qui định mức xử phạt tối thiểu là 5.000.000 đồng và mức tối đa là 500.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định chứng khoán và thị trường chứng khoán. Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền  Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng;

Một số hành vi vi phạm:

1. Vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người được ủy quyền công bố thông tin, giao dịch chứng chỉ quỹ của các đối tượng có liên quan :

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng thực hiện giao dịch, kể cả trường hợp cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và các trường hợp thực hiện giao dịch khác theo quy định của pháp luật hoặc không thực hiện giao dịch nhưng có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá 1% số lượng cổ phiếu cùng loại đang lưu hành nhưng không báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn quy định cho công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cổ đông sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, người được ủy quyền công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; Sáng lập viên, thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc của công ty quản lý quỹ, người điều hành quỹ đầu tư đại chúng, người được ủy quyền công bố thông tin của quỹ đầu tư đại chúng, người có liên quan của các đối tượng này và các tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(i) Không báo cáo, báo cáo không đầy đủ, chính xác, báo cáo không đúng thời hạn theo quy định trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, giao dịch chứng chỉ quỹ của mình, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán; không báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch hoặc về việc không thực hiện được giao dịch đó;

(ii) Thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu không đúng quy định.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, người phụ trách tài chính, phụ trách kế toán và người quản lý khác trong bộ máy quản lý công ty đại chúng thực hiện mua và bán hoặc bán và mua chứng khoán của công ty đại chúng không đúng thời hạn quy định.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(i) Trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng mà không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định cho công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó được niêm yết;

(ii) Báo cáo về sở hữu cổ đông lớn không đầy đủ hoặc không chính xác các nội dung theo quy định;

(iii) Không nộp hoặc nộp không đúng thời hạn báo cáo cho công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán khi có sự thay đổi đầu tiên về số lượng cổ phiếu sở hữu làm cho tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan không còn là cổ đông lớn.

2. Vi phạm quy định về giao dịch, nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(i) Vi phạm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài; vi phạm quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam;

(ii) Vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ;

(iii) Mượn danh nghĩa người khác hoặc đổi tên để giao dịch chứng khoán.

3. Vi phạm quy định về giao dịch nội bộ trong giao dịch chứng khoán

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(i) Sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc bên thứ ba;

(ii) Tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

4. Các hành vi thao túng giá chứng khoán:

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(i) Thông đồng trong giao dịch chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

(ii) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

(iii) Kết hợp hoặc sử dụng các phương thức khác để thao túng giá chứng khoán.

5. Vi phạm quy định về chào mua công khai:

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân chào mua thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

(i) Trực tiếp hoặc gián tiếp mua hoặc cam kết mua cổ phiếu đang được chào mua bên ngoài đợt chào mua;

(ii) Bán hoặc cam kết bán cổ phiếu đang chào mua;

(iii) Đối xử không công bằng với những người sở hữu cùng loại cổ phiếu đang được chào mua;

(iv) Cung cấp thông tin riêng cho một số cổ đông hoặc cung cấp thông tin cho cổ đông ở mức độ không giống nhau hoặc không cùng thời điểm;

(v) Thời gian thực hiện đợt chào mua công khai không đúng với quy định của pháp luật;

(vi) Bán ra số cổ phiếu đã mua trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt chào mua công khai;

(vii) Không áp dụng các điều kiện chào mua công khai cho tất cả mọi cổ đông của công ty đại chúng;

(viii) Từ chối mua cổ phiếu từ bất kỳ cổ đông nào theo điều kiện đã chào mua công khai;

(ix) Mua cổ phiếu theo các điều khoản khác với các điều khoản đã được công bố trong bản đăng ký chào mua công khai.

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

(i) Không thực hiện chào mua công khai theo quy định hoặc thực hiện việc chào mua công khai khi chưa có văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

(ii) Không thực hiện công bố thông tin theo quy định về việc chào mua công khai;

(iii) Thay đổi ý định chào mua công khai đã công bố, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

==================================

(2) Nghị định số 84/2010/NĐ-CP ngày 02 – 8 – 2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 – 01 – 2007 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán. (Nghị định 84).

Xem Nghị định 84 tại đây.

Chính phủ ban hành Nghị định 84 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán nhằm theo sát và bắt kịp thực tế sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nghị định 84 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 – 9 – 2010.

Đối với qui định chung về việc chào bán chứng khoán ra công chúng, Nghị định 84 bổ sung:

– Tổ chức, cá nhân không được chào bán chứng khoán ra công chúng trong các trường hợp sau:

(i) Doanh nghiệp không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều  Luật Chứng khoán;

(ii) Chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp; trừ các trường hợp doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một số loại hình doanh nghiệp, Nghị định 84 bổ sung:

– Trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp thì phải có thời gian hoạt động từ một năm trở lên và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán.

Nghị định 84 bổ sung qui định về chào bán và niêm yết chứng khoán tại Việt Nam của tổ chức phát hành nước ngoài:

Điều kiện tổ chức phát hành nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam:

(i) Có dự án đầu tư tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Việt Nam;

(ii) Có cam kết của tổ chức nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam;

(iii) Có cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài và không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn của dự án được cấp phép;

(iv) Có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(v) Được tối thiểu 01 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia bảo lãnh phát hành;

(vi) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành chứng khoán tại Việt Nam.

Điều kiện niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam:

(i) Là chứng khoán phát hành tại Việt Nam theo quy định nêu trên;

(ii) Số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại Việt Nam;

(iii) Có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt Nam;

(iv) Được một (01) công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết chứng khoán./.