Cập nhật VBPL kì 3 – tháng 8/2010

CẬP NHẬT MỘT SỐ VBPL KÌ 3 – THÁNG 8/2010

  1. Công văn 5367/VPCP-KTN ngày 04/08/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc giải pháp tăng cường quản lý sản xuất và chất lượng phân bón.
  2. Thông tư số 120/2010/TT-BTC ngày 11 – 8 – 2010 của Bộ tài chính v/v điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng phân bón quy định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12 -11 – 2009 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
  3. Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13 – 8 – 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.
  4. Nghị định 86/2010/NĐ-CP ngày 13 – 8 – 2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

=========================================

TÓM TẮT NỘI DUNG

  1. Công văn 5367/VPCP-KTN ngày 04/08/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc giải pháp tăng cường quản lý sản xuất và chất lượng phân bón. (Công văn 5367).

Xem Công văn 5367 tại đây.

Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ về giải pháp tăng cường quản lý sản xuất và chất lượng phân bón, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có một số ý kiến chỉ đạo đáng lưu ý như sau:

(i)                 Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; thống nhất một đầu mối lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón làm căn cứ xử lý vi phạm về chất lượng phân bón, khắc phục tình trạng trong cùng thời điểm có nhiều cơ quan cùng lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón;

(ii)                Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể việc xác định phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định tại phụ lục số III Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

(iii)               Đồng ý việc thay đổi phương thức quản lý phân bón bằng hình thức phân nhóm sản phẩm để quản lý thay cho phương thức quản lý bằng việc ban hành danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;

(iv)             Văn bản pháp lý điều chỉnh về sản xuất kinh doanh phân bón tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 – 10 – 2003 và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31- 12 – 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 – 10 – 2003.

========================================

2. Thông tư số 120/2010/TT-BTC ngày 11 – 8 – 2010 của Bộ tài chính v/v điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng phân bón quy định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12 -11 – 2009 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế. (Thông tư 120).

Xem Thông tư 120 tại đây.

Thông tư 120 có hiệu lực thi hành ngày 26 – 9 – 2010 (sau 45 ngày kể từ ngày ban hành).

Thông tư 120 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng phân bón quy định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi  ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới tại Danh mục thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng phân bón ban hành kèm theo Thông tư này.

Mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 6,5 % được áp dụng đối với một số mặt hàng phân bón tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi như sau:

Mã hàng Mô tả hàng hoá Thuế suất (%)
31.05 Phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa hai hoặc ba nguyên tố cấu thành phân bón là nitơ, phospho và ka li; phân bón khác; các mặt hàng của Chương này ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì trọng lượng cả bì không quá 10kg.
3105 10 00 – Các mặt hàng của Chương này ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì trọng lượng cả bì không quá 10 kg
3105 10 00 10 – – Superphosphat và phân phosphat đã nung, ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì 6,5
3105 10 00 20 – – Phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho, kali, ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì 6,5
3105 10 00 30 – – Superphosphat, ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì 6,5
3105 10 00 90 – – Loại khác 0
3105 20 00 00 – Phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho và kali 6,5

===========================================

3. Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13 – 8 – 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu. (Nghị định 87).

Xem Nghị định 87 tại đây.

Nghị định 87 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2010 và thay thế Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.

Tại Phụ lục 1 qui định danh mục lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu đính kèm Nghị định 87 có qui định Sản xuất nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Một số điểm mới về các trường hợp miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu so với qui định cũ:

–          Hàng hóa là bưu phẩm, bưu kiện thuộc dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá tính thuế tối thiểu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

–          Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (trừ các dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay và những mặt hàng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.

Một số điểm mới về các trường hợp hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu so với qui định cũ:

–          Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan nếu đã nộp thuế nhập khẩu thì được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế xuất khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu.

–          Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc xuất vào khu phi thuế quan được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu.

=========================================

4. Nghị định 86/2010/NĐ-CP ngày 13 – 8 – 2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. (Nghị định 86).

Xem Nghị định 86 tại đây.

Nghị định 86 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 – 10 – 2010 và thay thế Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16 – 8 – 2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Theo nghị định 86, Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là hành vi do cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 86.

Mức phạt tiền tối đa theo Nghị định 86 là 30.000.000 đồng tăng so với qui định cũ là 20.000.000 đồng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là một (01) năm, kể từ ngày vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được thực hiện.

Một số hành vi vi phạm và mức xử phạt:

1. Đối với người sử dụng lao động:

–          Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động khi người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng.

–          Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động khi người sử dụng lao động có hành vi không làm thủ tục (lập hồ sơ hoặc văn bản) để: đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưu trí trước 30 ngày, tính đến ngày người lao động đủ điều kiện nghỉ việc hưởng hưu trí; đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động.

–          Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc sai mục đích.

2. Đối với người lao động:

–          Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

–          Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người lao động có hành vi không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch cho người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

Thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;  Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có quyền áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng.

2. Ngoài ra, Thanh tra viên Lao động – Thương binh và Xã hội khi đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng./.

Tải Phụ lục đính kèm Nghị định 86 tại đây.